ÂN SƯ – THƯ HỌA GIA TRƯƠNG LỘ VÀ TRIỂN LÃM THƯ PHÁP PHẬT ĐẠO NHO

2164

Nhờ có cơ duyên nên khi còn ở Việt Nam, tôi được Thầy Trương Lộ chỉ dạy thư họa. Sau đó, tôi sang Đài Loan du học. Ngoài chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, tôi còn tham gia các khóa học khác như thư pháp, công bút, giám định đá quý… Nhưng khó nhất vẫn là học thư pháp. Đến giai đoạn này tôi mới hiểu lời Thầy: “Thư pháp khó hơn hội họa”.

Tại xứ Đài, tôi đã tìm nhiều nơi để học thư pháp nhưng quả thật, để tìm được một người có kỹ pháp như Thầy là điều khó khăn với tôi. Sang đất khách xứ người, tôi mới hiểu và thương Thầy hơn bởi Thầy đã dành cả đời mình cống hiến cho thư pháp và hội họa.

Cái khó của thư pháp chính là sự nghiêm khắc của bút pháp. Dù là khải thư, hành thư, triện thư hay thảo thư đều có những chuẩn tắc, khuôn vàng thước ngọc không thể tùy tiện thay đổi. Học được thư pháp đã khó, muốn sáng tác cho được một tác phẩm lại càng khó hơn bởi điều kiện tiên quyết là tác giả phải lĩnh hội được những tinh yếu của bút pháp mà cổ nhân đã đúc kết trong nhiều nghìn năm một cách nhuần nhuyễn rồi mới có thể vận bút sáng tác. Để làm được như thế, ít nhiều cũng cần hơn nửa đời người nghiêm hành công phu. Những đạo lý này nghe thì sao dễ và đơn giản nhưng để cảm và ngộ được thì phải nghiêm túc học và khổ luyện trong nhiều năm tháng.

Sang Đài Loan, tôi nhờ vào bút pháp đã học ở Thầy để viết ra một tác phẩm thư pháp được các vị học giả cũng như thư họa gia xứ Đài công nhận và mời tham gia chương trình triển lãm tại Đài Bắc. Vui vì mình là người từ Việt Nam sang nhưng tác phẩm của mình được mọi người bên này công nhận. Ngoài thư pháp, Thầy còn dạy tôi vẽ trúc. Cũng nhờ vậy, tác phẩm vẽ trên gốm của tôi trong buổi ngoại khóa tại xưởng chuyên chế tác đồ gốm quốc lễ của Đài Loan được mọi người trong lớp yêu thích.

Giờ ở nơi đất khách nhớ đến Thầy mà cảm khái trong lòng. Tại xứ Đài, học thư pháp, hội họa hay các lĩnh vực khác đều thuận lợi từ nguyên liệu, tài liệu và cả môi trường học tập. Nếu ở Việt Nam, việc tìm mua được một cây bút tốt, có thể viết được khải thư như ý muốn thì phải mất rất nhiều công sức. Thương cho Thầy trong môi trường thiếu thốn phương tiện mà vẫn “diệu bút sinh hoa”. Đường nét thư pháp chỉ là không gian trắng và đen nhưng hàm chứa trong đó là cả cả nghĩa lý âm dương, biến hóa của đạo lớn, “sinh sinh chi hóa”. Vậy mới thấy công việc khổ học và truyền thừa văn hóa của Thầy là một hành trình cô độc trong bối cảnh trời chiều đường xa vắng bạn. Ân tình của Thầy đến giờ tôi vẫn chưa đáp tạ được gì và tự cảm thấy hổ thẹn với Thầy vì học nghệ của mình chưa tinh. Những chuyên gia và bạn bè Đài Loan đều rất thích tác phẩm của Thầy khi tôi giới thiệu và cho rằng trong bối cảnh thiếu phương tiện vì sự hạn chế của thị trường thư họa mà vẫn đạt đến cảnh giới như vậy thì thật không đơn giản. Phật Đạo Nho – một chủ đề bao gồm vạn tượng tư tưởng ba nhà, vượt cả giới hạn của ranh giới tôn giáo, quốc gia và dân tộc. Một chủ đề không dễ truyền đạt từ việc chọn lựa tư tưởng và nội dung.

TRIEN LAM THU PHAP TRUONG LO PHAT DAO NHO

Triển lãm thư pháp của thầy Trương Lộ Từ ngày 28/3/2021 đến ngày 6/4/2021

Tuyển tập thư pháp của Thầy Trương Lộ có cả thiền kệ của Thiền sư Việt Nam và thi từ của thi sĩ Bùi Giáng. Vậy mới thấy tư tưởng lớn của nhân loại đã được văn hóa Việt Nam dung hợp, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa tư tưởng Việt Nam. Thật là một cuộc gặp gỡ lớn giữa tư tưởng Phật Đạo Nho và thi ca Việt Nam mà cầu nối là thư pháp của Thầy Trương Lộ. Tinh thần “thừa cổ khai kim”, kế thừa truyền thống và mở ra cái mới trong hiện tại cũng chính là tinh thần của cuộc triển lãm này.

Học trò nơi đất khách.  Kính bút.

 Trương Anh Tiến.

Nguồn: Trương Anh Tiến