Bút Tích Chữ Triện Của Hồ Nguyên Trừng

2897

Bia “Phổ Đồng Tháp Ký” nằm trên tháp phổ đồng thuộc khu vực chùa Tú Phong khu Hải Điện – Bắc Kinh, TQ. Hai chữ “Phổ đồng” thực ra không phải tên riêng của tháp, mà là cách gọi chung cho các tháp lưu giữ tro cốt chung cho nhiều người, thường gửi ở nơi chùa miếu trong truyền thống tang táng của người Trung Quốc. Nội dung bài văn bia này do Hồ Huỳnh – thượng thư bộ Lễ nhà Minh soạn, văn bia cũng cho biết Hồ Nguyên Trừng viết chữ triện trán bia và đạo sĩ Châu Đạo Ninh viết chữ.

Về nhân vật Hồ Huỳnh chúng ta đã biết đến qua bài bạt mà ông viết trong tác phẩm Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng. Qua tấm bia này, một lần nữa chúng ta thấy mối quan hệ khăng khít, bạn bè thân cận giữa hai ông.
Hồ Huỳnh (1375 – 1463) tự Nguyên Khiết người Vũ Tiến (nay là Thường Châu, Giang Tô). Năm Kiến Văn thứ 2 đậu tiến sĩ, được giao chức Cấp sự trung ở Bộ binh. Năm Vĩnh Lạc nguyên niên (1403) đổi làm Đô cấp sự trung bộ Hộ. Do cái chết của Minh Huệ Đế không rõ ràng, nên Minh Thành Tổ đã mật sai Hồ Huỳnh đi điều tra khắp thiên hạ, đến năm Vĩnh Lạc 14 mới về kinh, được thăng Lễ bộ tả thị lang. Sau khi Minh Thành Tổ chết, Hồ Huỳnh cùng 4 người khác là cố mệnh đại thần. Tháng 4 năm Tuyên Đức nguyên niên (1426) thăng Thượng thư bộ Lễ. Năm đầu niên hiệu Cảnh Thái sung Thái tử Thái phó. Làm thượng thư bộ Lễ hơn 30 năm, sau về trí sĩ, mất được ban thụy là Trung An. Ông để lại trước tác có “Chi Hiên Tập”, ngoài ra còn có bài văn bia: “Sắc tứ Pháp Hải thiền tự bi ký” soạn năm Chính Thống 8 (1443) …
Về thể chữ triện, đó là một trong năm thể chữ cơ bản của lối viết chữ Hán, có từ trước thời Tần (gọi là Đại triện) sau khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, chỉnh lý lại chữ viết, Lý Tư đã giản ước cải tiến lại chữ của sáu nước đặt ra lối chữ giản đơn hơn gọi là Tiểu triện (hay Tần triện), Lý Tư cũng được coi là một đại biểu của thư gia viết lối chữ triện trong lịch sử thư pháp, chữ triện của Lý Tư hiện còn thấy trên Thái Sơn khắc thạch.
Qua đời Hán lối chữ Triện không tiện dụng nữa, và dần được thay thế bằng các thể chữ khác như lệ rồi khải… Tuy nhiên trong thư pháp, lối chữ triện vẫn được nghiên cứu học tập và viết. Nhiều thư gia nổi danh với thể chữ này như: Lý Dương Băng đời Đường, Đặng Thạch Như đời Thanh …
Lối chữ triện đặc biệt được dùng để viết tiêu đề trên trán bia đá, cách thức này thông dụng cả ở Việt Nam dưới thời Lê (sau này thì hay viết chữ khải hơn) và có những người chuyên chỉ viết triện trán bia. Như chữ triện trên trán các bia tiến sĩ đầu tiên dựng thời Lê ở Văn Miếu HN đều do Tô Ngại viết.
Do vậy có thể thấy, việc Hồ Nguyên Trừng được nhờ viết chữ triện trán bia Phổ đồng tháp ký này chứng tỏ một sự đánh giá nhất định đối với khả năng viết chữ triện của ông.

Bốn chữ Triện: Phổ Đồng Tháp Ký do Hồ Nguyên Trừng viết
Sau đây xin phiên âm và dịch toàn bộ nội dung bia Phổ Đồng Tháp Ký ở trên:
Phiên âm: Phổ Đồng Tháp Ký
Tư Đức đại phu, Chính trị Thượng khanh Lễ bộ Thượng thư, tiền Thái tử Tân khách, kiêm Quốc tử Tế tửu, Tỳ Lăng – Hồ Huỳnh soạn.
Tư Thiện đại phu, Công bộ Thượng thư, Giao Nam – Lê Trừng triện ngạch.
Đạo lục ti Hữu huyền nghĩa, kiêm Đại Đức Quán trụ trì, Tiền Đường – Châu Đạo Ninh thư đan.
Phổ đồng tháp tại Thuận Thiên phủ, Uyển Bình huyện, Tú Phong tự, khứ thành bát thập lý. Chính Thống cửu niên tứ nguyệt cát thần, trung quý Vũ Ngẫu (…) dĩ thanh thời hạ nhật, du lãm tư tự, ái kỳ sơn xuyên tú lệ, khê lưu hoàn bão, lâm mộc ông uất, tụ khí tàng phong, phục giáp trượng lý, lịch hác kinh khâu, trụ Tú Phong chi tả, tướng kỳ âm dương, quan kỳ hướng bối, thẩm kỳ khí mạch, long huyệt du tại, thành túc vi thọ tàng chi sở. Viên phát phổ tâm, dĩ vi độc tư ư kỷ, hạt nhược dữ chúng cộng chi? Ngô sài đồng tế thăng bình chi thế, cộng xu điện bệ chi gian, túc dạ hành tàng, thân tâm hưu thích võng hoặc bất đồng, sinh ký như tư, vong một diệc nghi tụ xứ. Cái nhân chi sinh tử, như âm dương trú dạ, nãi lý chi thường, thế sở nan miễn. Nhân truy niệm tiên bối luân vong chi tế, gián hữu thương tốt vô y nhi bất đắc kỳ sở giả. Do thị cức mộ chúng duyên, dung công vận bích, dự kiến phổ đồng thọ tháp nhất tọa, kỳ sùng tam trượng, hữu kỳ ngẫu, phàm hậu chi khí giả quy chân giả tất tàng kỳ phách ư nội, dĩ thỏa kỳ linh. Do thử quan chi, tắc trung quý Vũ công chân khả vị đạt sinh an mệnh như vưu năng trượng nghĩa tuẫn chúng dĩ toàn thủy chung chi đạo giả dã. Kim phục trưng dư vi ký, vưu khủng hậu nhân muội kỳ sáng thủy chi do, phế kỳ kế thuật chi đạo, tắc di mưu tuy thiện, nhi mẫn kỳ truyền hĩ. Hậu chi nhân nhân quân tử, củ năng thể thử nhi sung kỳ nhất niệm chi lương tâm tương dữ thiện kế thiện thuật tắc nhân nhân vô bất đắc kỳ sở, nhi anh linh hằng thỏa ư nội. Nhi Vũ công chư trung quý chi đức nghĩa thùy thị du cửu nhi vô cùng hĩ. Dư cố phất từ nhi vi chi ký giả, phỉ đồ kỷ Vũ công đẳng chi gia tích diệc dĩ vi hậu thế mộ nghĩa tuẫn chúng giả chi lương đồ dã.
Chính Thống thập niên, tuế thứ Ất Sửu thất nguyệt thập ngũ nhật – Nguyễn Phúc Tường, Nguyễn Phúc Thiện, … Trần Giác Thọ (13 người) – đồng lập thạch.
Dịch nghĩa: Bài ký tháp Phổ đồng
Tư Đức đại phu, Chính trị Thượng khanh Lễ bộ Thượng thư, từng là Thái tử Tân khách, kiêm Quốc tử Tế tửu, Hồ Huỳnh người Tỳ Lăng soạn.
Tư Thiện đại phu, Công bộ Thượng thư, Lê Trừng người Giao Nam viết chữ triện trán bia
Đạo lục ti Hữu huyền nghĩa, kiêm Đại Đức Quán trụ trì, Châu Đạo Ninh người Tiền Đường viết chữ.
Tháp phổ đồng ở chùa Tú Phong, huyện Uyển Bình, phủ Thuận Thiên cách kinh thành tám mươi dặm. Ngày lành tháng Tư năm Chính Thống thứ 9 (1444) quan trung quý (thái giám) Vũ Ngẫu (…) nhân buổi rỗi rãi thanh nhàn đến chơi chùa này, mến cảnh núi sông đẹp đẽ, khe suối bao bọc, cây rừng tươi tốt, thực là nơi tụ khí tàng phong, bèn tháo dép chống gậy, lội suối băng gò, dừng lại mé trái núi Tú Phong, xem xét âm dương, quan sát phương hướng, thăm dò khí mạch, long huyệt ở đó, đúng là chỗ đáng làm nơi chôn cất sau này. Bèn phát tâm quảng đại, nghĩ rằng chỉ nghĩ đến mình sao bằng được cùng hưởng chung với mọi người? Chúng ta cùng được sống trong cảnh thanh bình, cùng ra vào ở chốn cung điện, chuyện hành tàng trước đây, thân tâm vui buồn cảnh đời thuận nghịch hoặc có khi chẳng giống nhau, sống đã như vậy, đến khi chết đi cũng nên cùng tụ họp một nơi. Vả chăng chuyện sống chết của con người cũng như âm dương đêm ngày là lẽ thường vậy, làm sao có thể tránh được. Nhân nhớ đến người trước phải chịu cảnh lưu lạc, cũng có người vội vã mà chẳng có nơi nương tựa (an nghỉ) sau cùng. Vì vậy bèn khuyến góp mọi người, thuê mướn nhân công vận chuyển gạch ngói xây một tòa thọ tháp chung cho mọi người. Tháp cao ba trượng có (ô) chẵn lẻ, phàm về sau ai là người bỏ nơi giả tạm về chốn vĩnh hằng sẽ cất giữ thể phách vào trong ấy, để linh hồn được thỏa nguyện.Xem đó đủ thấy, quan trung quý họ Vũ thực là người đạt sinh an mệnh, lại thêm là kẻ trượng nghĩa biết vì mọi người mà giữ trọn cái đạo thủy chung vậy. Nay lại bảo tôi viết bài ký, lo rằng người sau không biết rõ lý do ban đầu khi dựng tháp này, mà bỏ mất cái đạo kế thuật, thì mưu tính tuy hay đấy, nhưng mai một chẳng truyền được đến sau vậy. Những bậc nhân nhân quân tử sau này, nếu có thể thể tất mà thêm một tấm lòng tốt nhớ đến, sẽ đem điều thiện nối tiếp điều thiện thì người người chẳng ai không có chốn nương thân, mà anh linh cũng hằng thỏa trong ấy. Hơn nữa, điều đức nghĩa của ông Vũ cùng các ông trung quý cũng sẽ còn lại mãi mãi không cùng vậy. Vậy nên tôi không dám chối từ mà làm người viết bài ký này, chẳng phải chỉ để ghi lại công tích của bọn ông Vũ mà cũng là để mưu đồ cho những ai biết mộ nghĩa vì người ở đời sau vậy.

Ngày 15 tháng 7 năm Ất Sửu niên hiệu Chính Thống thứ 10 (1445) –Nguyễn Phúc Tường, Nguyễn Phúc Thiện, … Trần Giác Thọ (13 người) – cùng dựng bia ./.

Lê Tiến Đạt – thuhoavn.com

===