TỀ BẠCH THẠCH (1863-1957)

7161

TỀ BẠCH THẠCH (1863-1957)

te bach thach tranhthuymac.com.vn

Tề Bạch Thạch là một thiên tài hội họa lỗi lạc, một danh nhân văn hóa thế giới. Nửa cuối thế kỷ XIX ở hành tinh này đã xuất hiện một con người từ nơi thôn dã, mà rồi tài hoa đã rực sáng dần lên như một vì sao lấp lánh trong bầu trời hội họa nhân loại. Đó là thiên tài hội họa và danh nhân văn hóa thế giới Tề Bạch Thạch.

Tề Bạch Thạch, nguyên tên ”cúng cơm” là Thuần Chi, họ Tề. Người nhà và hàng xóm quen gọi là A Chi. Còn cái tên ”Tề Bạch Thạch” mà ông thường dùng trong suốt đời là do các sư phụ mượn tên núi Bạch Thạch ở cố hương để đặt cho tên ông khi đang theo học vẽ. Ngoài ra, ông còn những tên hiệu và bút danh như Tề Hoàng, Vị Thanh, Tân Sinh, Lâm Bình, hoặc Tinh Đẩu lão nhân v.v…

Ngày 22 tháng 11 năm 1863 (năm Quý Hợi), Tề Bạch Thạch ra đời ở làng Cây Hạnh, cạnh Đầm Tinh Đẩu thuộc Huyện Tương Đàm, Tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc. Nơi đây, một miền bán sơn địa, có núi Tử Vân, Liên Hoa, Bạch Thạch… cùng những đồi thông xanh bạt ngàn, bên Dòng Sông Tương xinh xinh và Đầm Tinh Đẩu hương sen ngào ngạt… Cảnh quan êm đẹp, sơn thủy hữu tình đã hun đúc cho tâm hồn Bạch Thạch ưu nhã, thanh tao.

Tề Bạch Thạch là cháu đích tôn, được ông bà cha mẹ nâng niu như viên ngọc quý. Song, không may ông sinh ra trong một gia tộc ba đời làm lụng cật lực mà vẫn nghèo khổ xác xơ, lại không có ai phát tài hoặc có quyền chức để mong nương tựa! Do đó, Tề Bạch Thạch phải chung số phận như nhiều con em nhà nghèo, mà những năm tháng ấu thơ, ông cam chịu thiếu thốn và bất hạnh. Chào đời không bao lâu, Bạch Thạch ốm đau triền miên, có trận thập tử nhất sinh. Con đường học vấn và theo đuổi nghệ thuật cũng thật đắng cay! Ông không sung sướng như con em nhà giàu, được ngồi trường lớp chính quy, mà phải mất nửa đời người lăn lộn tảo tần “tầm sư học đạo”.

Thuở thiếu thời Tề Bạch Thạch thông minh, hiếu học. Thường ngày hay quẩn quanh theo ông nội vào bếp để ông lấy que củi vẽ chữ lên đống tro tàn, dạy cháu học từ nét chữ ”vỡ lòng”. Lớn lên, theo học trường làng do ông ngoại dạy. Song chẳng được mấy năm lại phải bỏ học làm lụng giúp đỡ gia đình. Vừa cắt cỏ, chăn trâu, đốn củi, nhặt phân khô… vừa say mê tự học chữ, học vẽ trên mặt đất sân nhà, hoặc bằng những tờ giấy thải, giấy bọc hàng cũ kỹ. Những bức vẽ đầu tiên của Bạch Thạch là em bé cạnh nhà, ông già câu cá ở ao, đầm, hoặc cỏ cây, hoa lá, gà vịt hay chim chóc quanh vườn mà ông từng thấy, hoặc bắt chước vẽ theo tranh dân gian thờ cúng treo trong nhà, như Thần Sét, Táo Quân, Ngọc Hoàng v.v… Tranh của ông sau này gần gũi với nghệ thuật dân gian là được bắt nguồn từ đó.

Năm 12 tuổi, bố mẹ cho Bạch Thạch học nghề thợ mộc thô để kiếm sống. Nhưng rồi nhờ có “bàn tay vàng”, ông học thêm nghề mộc tinh và nhanh chóng sáng tạo những mẫu chạm khắc hoa văn trang trí khá tỷ mỷ, tinh vi, hoặc còn làm những đồ mỹ nghệ ngoạn mục. Ông còn tìm thầy học vẽ truyền thần để vẽ thuê. Sẵn có năng khiếu bẩm sinh, lại chuyên cần khổ luyện, chẳng bao lâu tài hoa của ông đã trở thành nổi tiếng. Bà con quanh vùng tấp nập mời ông vẽ và chạm khắc họa, công việc làm không hết.

Bởi gia đình gieo neo, thiếu người làm, nên Tề Bạch Thạch đã phải sớm thành hôn và vướng nặng gánh thê nhi. Song may mắn gặp được vợ hiền, mà tình duyên của ông đã hóa thành bệ phóng cho nghệ thuật thăng hoa.

Đến năm 27 tuổi, Bạch Thạch mới được các bậc văn nhân sĩ phu và họa gia trong vùng có nhã tâm giúp đỡ ông học hành tu nghiệp lập thân. Chẳng bao lâu, các sư phụ đã làm lễ thành thầy cho Bạch Thạch để sớm sinh kế và tiến thân.

Qua 40 tuổi, Bạch Thạch mới có điều kiện du lịch gần khắp đất nước, thị sát sơn hà danh thắng, thâm nhập thực tại nhân gian. Đến đâu, ông cũng ghi chép, sưu tập tài liệu, vẽ tranh, làm thơ. Càng đi xa, hành trang nghệ thuật của ông càng nặng gánh. Những tranh phong cảnh Hoa Sơn, Lô Sơn, Thạch Môn, Hồ Động Đình, Quế Lâm, Hoàng Hà, v.v… là những tác phẩm nổi tiếng qua các chuyến đi này.

Chắc không mấy ai ngờ rằng đôi chân vạn dặm của Tề Bạch Thạch từng đặt lên đất Việt qua đường Đông Hưng – Móng Cái và dọc biên giới Việt – Trung. Ông từng vẽ tranh Khách qua trời lục và làm thơ Nhớ phương Nam ca ngợi cảnh quan Việt Nam có một màu sắc riêng lạ.

Sau những chuyến đi về, đến 60 tuổi, Tề Bạch Thạch mới định cư ở Bắc Kinh. Nơi đây hội tụ anh tài, là cơ hội tốt cho ông gặp gỡ tiếp giao, học hỏi, mở mang và cũng là thời kỳ bắt đầu chuyển hướng nghệ thuật của ông. Không bao lâu, Bạch Thạch đã có tiếng vang cả trong và ngoài nước.

Đến Bắc Kinh, Bạch Thạch kết giao thân hữu với danh họa Từ Bi Hồng, Trần Sư Tằng, nghệ sĩ sân khấu kiệt xuất Mai Lan Phương, học giả Quách Mạt Nhược… Từ Bi Hồng từng viết báo trong và ngoài nước ca ngợi Tề Bạch Thạch, giúp đỡ xuất bản tuyển tập tác phẩm và còn mời Bạch Thạch làm Giáo sư, khi Từ Bi Hồng làm Viện trưởng học viện Nghệ thuật Bắc Bình. Do vậy mà bị tầng lớp bảo thủ quấy rầy. Từ Bi Hồng bất bình xin từ chức. Còn Trần Sư Tằng thì luôn khuyến khích Bạch Thạch học hỏi họa pháp ”đại tả ý” của danh họa Ngô Xương Thạc đời Thanh. Trần Sư Tằng còn mang tranh của Bạch Thạch đi triển lãm và bán tại Nhật, Pháp và gửi đi nhiều nơi khác. Mai Lan Phương thường xuyên mời Bạch Thạch đến vườn cảnh tại nhà để vẽ tranh, làm thơ và đàm đạo nghệ thuật.

Thiên tài lỗi lạc của Tề Bạch Thạch chẳng phải ngẫu nhiên có được, mà đã kết tinh từ vốn sống thực tế, vốn nghệ thuật cổ truyền, từ bản lĩnh hết mình học hỏi hành nghề, và tinh thần nhất quyết biến cải, đột phá, bất chấp tuổi đã già nua.

Tranh của Tề Bạch Thạch bộc lộ thành công ở “thần khí”. Chính là từ quan sát thực tế, nắm bắt tỷ mỷ hình thù để diễn tả được hình, và lấy hình để biểu hiện cái thần. Ông đã thực hiện hoàn thiện lời Trương Thao đời Đường “Ngoại sư tạc hóa, nội đắc tâm nguyên”, nghĩa là ngoài học thiên nhiên, trong được lòng mình, dung hợp hai yếu tố khách quan và chủ quan trong tranh để đạt tới “hình thần kiêm bị”. Đó là hình thù thì tinh vi, hoàn mỹ, thần thái thì sống động, cuốn hút, được thể hiện đầy đủ trên tranh.

Qua thực tiễn quan sát và sáng tạo, Bạch Thạch từng nói lên những điều tâm đắc giản dị, song đã hóa thành ngôn từ bất hủ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là Vẽ tranh hay là ở chỗ vừa giống vừa không giống. Nếu quá giống thì tục, mà không giống thì dối đời”. Tranh của Bạch Thạch trở thành kiệt tác, là do ông đã biết dung hợp một cách tài tình giữa ”vừa giống” “vừa không giống”, cũng như từng xử lý những đối nghịch thực-hư, ưu nhã – thô dã, tinh vi – giản lược v.v… trong ngôn ngữ tạo hình, hoặc sử dụng kết hợp hai loại họa pháp ”công bút” (lối vẽ tỷ mỷ, tinh vi) với ”tả ý” (lối vẽ phóng túng, bay bổng). Song, theo ông thì tất cả đều phải chuyển hóa, như lời Thạch Đào họa gia cách tân đời Thanh: ”Bút mực tùy thời đại”.

Tề Bạch Thạch học tập vận dụng bút pháp độc đáo của tiền nhân như Thạch Đào, Ngô Xương Thạc, song nghệ thuật của ông vượt xa lớp trước, mang lại sinh khí mới cho Quốc họa Trung Hoa nhờ tinh thần biến cải và đột phá nghệ thuật của ông. Đó là một bài học lớn cho các thế hệ nghệ sĩ trong việc kế thừa vốn nghệ thuật cổ truyền. Ông rất say mê học tập, nghiên cứu vốn nghệ thuật tiền bối từ thời Lục Triều, Đường – Tống, đến tranh thờ cúng dân gian. Ông khâm phục một số họa gia đời Minh – Thanh và từng thổ lộ: “Tiếc là không được sinh ra từ 300 năm trước để mài mực, xếp giấy cho các vị ấy. Nếu không được vào, đứng ngoài nhìn, đói cũng cam...”. Song, ông luôn thực hiện “Học xưa vì nay”, “phép cổ biến kim”, dung hợp hai mặt vận dụng và chuyển hóa đối với vốn cổ. Ông còn thường bày tỏ: ”Học ý chứ không học nếp người xưa”, ”Học người xưa nhưng phải vượt người xưa”, ”Dám can đảm sáng tạo độc lập, mạnh dạn thoát khỏi vết cũ, lối mòn của tiền nhân thì mới có thể vượt lên thiên cổ”.

Mặc dù tuổi ngày càng cao, nhưng ông luôn day đứt, trăn trở, tự thấy chưa thỏa mãn với sức sáng tạo và thành tựu nghệ thuật của mình. Ông thường bộc bạch: ”Tôi vẽ tranh mấy chục năm rồi mà chưa thấy có gì là của mình, nên tôi nhất quyết phải đại biến”. Ông nhất quyết ”đại biến” trong những năm tháng già nua quả là một cuộc đại cách mạng nghệ thuật cực kỳ độc đáo, mà ông tự gọi là ”suy niên biến pháp”, nghĩa là “về già đổi phép”. Nhờ tinh thần ”nhất quyết đổi phép” mà ông đã tìm ra lối đi riêng và tự khẳng định mình: ”Tôi đi đường tôi, hạ bút xuống là phải có nét riêng của tôi”. Từ đó, ông bất chấp mọi sự gièm pha, công kích của tầng lớp đại họa gia bảo thủ, công thức đương thời, mạnh dạn sáng tạo, đột phá vào bế tắc và bi kịch của Quốc họa đã hàng mấy trăm năm quẩn quanh trong vòng cô tịch, lạnh lùng, u ám… với những mây mù, tuyết trắng, ẩn dật, hoang đường, hư vô. . . quay lưng với thực tại. Tranh của Tề Bạch Thạch mang lại sinh khí mới, bằng những vẻ đẹp của cảnh vật và con người gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội, không còn là thứ phù hoa chỉ dành riêng cho giới văn thân đại sĩ phu thượng lưu quý phái. Qua thời kỳ “biến pháp”, “đột phá”, nghệ thuật của Tề Bạch Thạch đã đạt đến những tiêu chí và chuẩn mực đặc sắc của truyền thống Quốc họa Trung Hoa. Đó là ”sắc vị hương thanh, tứ giả chủ toàn”, nghĩa là tranh vẽ phải hiện hình sinh động, xuất thần hấp dẫn và khiến người xem chẳng những rung động trước màu sắc hình thù, mà như còn hưởng thụ được mùi vị và cảm nhận cả âm thanh. Bốn mặt đó phải toát ra đầy đủ trên tranh. Thật vậy, xem tranh Tề Bạch Thạch người ta có cảm giác: Đàn ong như đang vung bộ cánh mỏng tung bay lay động trong gió và như có tiếng vù vù nhè nhẹ bên tai. . . Đôi chim như đang rùng mình vỗ cánh hoặc như đang hót ca… Ve sầu như đang réo rắt tiếng kêu và rung rung đôi cánh mỏng manh trong suốt… Đám gà con mỏ như đang chíp chíp gọi nhau với bộ lông tơ lay động. Cá tôm như đang cựa quậy, nhảy nhót, tung tăng dưới nước trong veo… Hoa tươi như đang muốn nói cười, khoe sắc thắm và tỏa ngát hương…

Tề Bạch Thạch vẽ xuất thần tất cả các loại tranh sơn thủy, nhân vật, hoa điểu, thảo trùng... Song, vẽ tôm là một biệt tài của riêng ông, cũng như Từ Bi Hồng nổi tiếng vẽ ngựa, hay Ngô Tác Nhân sành vẽ gấu mèo vậy. Tranh tôm của Tề Bạch Thạch vượt xa tiền nhân. Ông không chỉ vẽ một vài con, mà vẽ hàng đàn, đủ các loại tôm cứng, mềm, trắng, đen; và đủ các loại động thái khác nhau. Đặc biệt là ông mô tả thật tài tình về độ trong suốt của mình tôm, mắt tôm, cho đến những bộ phận đầu, râu, chân tôm… Ông vẽ cực kỳ tinh vi mà cổ nhân chưa từng tả được. Vậy mà ông hạ bút là vẽ một mạch nhẹ nhàng như người thường viết chữ, và cũng chỉ cần vài mươi phút đã ra hình hài và thần sắc những con tôm như đang cựa quậy trên mặt giấy.

Tề Bạch Thạch vẽ tranh giỏi, lại làm thơ hay, và viết chữ, khắc dấu triện khéo, ba tài năng đều đạt đến đỉnh cao tuyệt vời. Do vậy mà ông được suy phong vào bậc đại họa gia ”tam tuyệt chi tài” nghĩa là ba tài năng đều tuyệt vời…

Tề Bạch Thạch còn là một con người có tâm hồn rộng lớn, có nhân cách ngoan cường, yêu ghét phân minh, trọng khinh khảng khái. . . Và luôn tỏ ra hiếu thảo, thủy chung, nghĩa tình sâu nặng. Trọn đời ông đứng về phía chính nghĩa, phía người lao động và bao giờ cũng hướng thiện, vị tha. Ông từng in lên tranh dấu triện tự khẳng định mình, “Lương dân Trung Hoa”, “Người của bá tánh”. Ông căm hờn bọn quân phiệt ngoại xâm, không cộng tác với bọn quan quyền gian tham xu nịnh, không dạy vẽ ở nhà trường của ngụy quyền, đóng cửa vẽ tranh, không tiếp lũ bất hảo, không bán tranh cho nhà quan, không nhận đặt hàng của phường gian trá… Ông còn khước từ bạn bè khuyên làm quan chức, hoặc vào triều vẽ tranh phục vụ Thái Hậu Từ Hy… Ông từng vẽ những tranh: Cái bàn tính, Con lật đật, Đàn cua, Đàn chuột, v.v… để chế giễu bọn bất lương và tỏ nỗi bất bình xã hội; còn vẽ những tranh Cái sọt, Cái liềm, Người đi cày, Ông câu cá, Bé thả trâu, v.v. . . để ca ngợi người lao động; hoặc Chim ưng, Chim bồ câu, Cây tùng bách, Vạn Niên Thanh, Tổ quốc muôn màu, Vầng hồng, Ánh Thái Dương thì dành ca ngợi đất nước, nhân dân hòa bình hạnh phúc. Và có lẽ ít ai ngờ đến Tề Bạch Thạch từng vì nước, vì dân mà đã mạo hiểm giấu tài liệu bí mật của tổ chức cách mạng Tôn Trung Sơn vào các cuộn tranh để luân chuyển trót lọt đến các cơ sở hoạt động đương thời.

Năm 1949, đất nước giải phóng, Tề Bạch Thạch đã gần 90 tuổi, Ông sống dưới chế độ mới, tâm hồn ông như trẻ lại, hăng hái tham gia hoạt động xã hội và say mê sáng tác đêm ngày. Những tháng năm cuối đời, ông đã sáng tác hàng nghìn bức tranh quý giá, ngợi ca cuộc sống mới sau ngày giải phóng của Tổ quốc, bằng họa pháp hào phóng, bay bổng, như càng sung lực hơn xưa. Vậy mà ông từng thổ lộ: ”Tiếc là tôi nay đã quá già yếu, chẳng còn làm được gì nữa. Giá tôi được trẻ lại mấy tuổi…”.

Sau ngày giải phóng, Tề Bạch Thạch được phong hàm Giáo sư danh dự của Học viện mỹ thuật trung ương Bắc Kinh, được tặng giải thưởng Quốc gia và phong nghệ sĩ Nhân dân kiệt xuất, là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội họa gia Trung Quốc, ủy viên Đoàn Chủ tịch, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, là đại biểu Quốc hội Cộng hòa dân chủ Trung Hoa. Năm 1955 được Hội đồng Hòa bình thế giới trao giải thưởng và công nhận Danh nhân Văn hóa thế giới.

Ngày 16 tháng 9 năm 1957, Tề Bạch Thạch lâm bệnh, tạ thế tại Y viện Bắc Kinh, hưởng thọ 94 tuổi.

NNC Mỹ thuật THÁI HANH